WHO đặt tên cho siêu biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là Omicron
Ngày 26-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với siêu biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.
WHO đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 mới được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là "đáng lo ngại". WHO đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.
Biến thể vừa được phát hiện tại Nam Phi này, được gọi là B.1.1.529, đã được đặt tên là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới Omicron.
Biến thể Omicron (B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24//11. Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm đã tăng mạnh, trùng với việc phát hiện biến thể Omicron. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9/11.
Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) là một nhóm chuyên gia độc lập theo dõi và đánh giá định kỳ sự tiến hóa của SARS-CoV-2. Nhóm này có nhiệm vụ đánh giá xem liệu các đột biến và sự kết hợp của đột biến có làm thay đổi hành vi của virus hay không. Dựa trên các số liệu sơ bộ, các chuyên gia của TAG-VE đánh giá Omicron cho thấy sự thay đổi gây nguy hại và TAG-VE khuyến cáo WHO phân loại biến chủng mới này vào diện “biến chủng đáng lo ngại” (VOC).
Biến chủng mới khiến ca Covid-19 Nam Phi tăng cấp số nhân
Cho đến nay, trên 50 trường hợp đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana. Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine vì số lượng lớn đột biến của nó.
Hầu hết các loại vaccine đều giúp cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của virus, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của Omicron nằm trong các vùng protein đột biến mà các thể nhận ra, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Phó Giáo sư Penny Moore, nhà virus học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi, cho biết biến thể mới có thể tránh được một phần của phản ứng miễn dịch do tế bào T tạo ra.
Một vấn đề khác là biến thể này dường như lây lan rất nhanh. Nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu ý rằng biến thể Omicron hiện “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này sau chưa đầy hai tuần. Chủng Delta từng là biến thể thống trị cho đến khi xuất hiện biến thể mới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có làm tình trạng bệnh của người nhiễm tiến triển nặng hơn hay không. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành thêm nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về biển chủng mới và mối đe dọa nghiêm trọng mà biến thể này có thể gây ra.
Nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết, biến chủng mới mang tên khoa học B.1.1.529 cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong trong số những người đi từ Nam Phi.
Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết biến chủng này là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến ca Covid-19 hàng ngày tăng "theo cấp số nhân", khiến nó trở thành "mối đe dọa lớn". Nam Phi hôm 24/11 ghi nhận thêm hơn 1.200 ca Covid-19, tăng 12 lần so với 100 ca hồi đầu tháng.
Nghiên cứu ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy biến chủng này tăng nhanh chóng ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất Nam Phi, và 8 tỉnh khác. Các nhà khoa học tin rằng tới 90% ca nhiễm mới ở Gauteng có thể do biến chủng B.1.1.529.
Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) do chính phủ điều hành cho biết 22 ca dương tính với biến chủng B.1.1.529 đã được ghi nhận sau khi giải trình tự gene. Các trường hợp được phát hiện và tỷ lệ phần trăm xét nghiệm dương tính đang "tăng nhanh" ở Gauteng, thành phố Johannesburg và thủ đô Pretoria.
Nam Phi đã yêu cầu họp khẩn với nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của virus thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào 26/11 để thảo luận về biến chủng mới. Bộ trưởng Y tế Phaahla cho biết còn quá sớm để nói liệu chính phủ có áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó biến chủng mới.
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi B.1.1.529, ngày 26/11, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ quốc gia châu Phi này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt để bàn việc ứng phó với biến thể siêu lây nhiễm này.
Nam Phi là vùng dịch lớn nhất ở châu Phi với 2,95 triệu ca nhiễm và gần 90.000 ca tử vong. Năm ngoái, biến chủng Beta cũng lần đầu được phát hiện tại nước này.
Trước khi phát hiện biến chủng mới, giới chức dự đoán sóng Covid-19 thứ tư sẽ tấn công Nam Phi, bắt đầu vào khoảng giữa tháng 12, do sự di chuyển trước mùa lễ hội.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Đăng nhận xét